Cách bạn căn nhịp độ một cuộc nói chuyện có thể quyết định mức độ hiệu quả.

Ý tưởng

Khi tôi huấn luyện nhân viên, tôi cần lưu tâm nhịp độ nào phù hợp nhất với họ. Với một số người, cách nói chuyện hiệu quả nhất là sôi nổi và hoạt bát. Tôi phải chuyển đổi mau lẹ giữa các ý tưởng, câu hỏi và suy ngẫm vì đó chính là thứ kích thích họ đạt mức sáng tạo và quyết đoán cao nhất.

Với người khác, kiểu nói chuyện hiệu quả nhất lại là chậm rãi và suy tư hơn. Thường thì tôi cần phải giúp đối tượng chậm lại lúc bắt đầu cuộc trò chuyện huấn luyện để họ chuyển từ nhịp độ gấp gáp vốn là thiết yếu cho ngày làm việc của họ đến lúc đó, sang một nhịp độ vừa phải ngẫm ngợi hơn.

Có lúc khi đối tượng đã suy ngẫm thì phải khích lệ họ tăng tốc kết tinh suy nghĩ của họ sao cho cuối cùng họ đưa ra một tập hợp những hành động mà họ sẽ làm. Đôi khi tôi tự gia tăng nhịp độ mà không hỏi ý kiến của đối tượng vì tôi biết khuôn mẫu nào hiệu quả trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi. Đôi khi tôi hỏi đối tượng xem liệu đã đến lúc gia tăng nhịp độ và tập trung nhiều hơn vào các hành động tiếp theo hay không.

Bạn sẽ có nhịp độ tự nhiên riêng của mình, hiệu quả nhất với bạn. Bạn có thể biến đổi nhịp độ đến một mức độ nào đó trong các cuộc trò chuyện khác nhau. Bạn có thể quan sát bản thân mình biến đổi nhịp độ tùy theo từng người, chủ đề bàn bạc, hay thậm chí là thời điểm trong ngày. Lời động viên của tôi dành cho bạn là hãy để tâm đến nhịp độ đang có và biến đổi nhịp độ ấy tùy vào việc bạn muốn cuộc đối thoại đi đến đâu.

Một cuộc trò chuyện huấn luyện hiệu quả thường sẽ bao gồm trong đó những yếu tố mang tính suy ngẫm, và cả những yếu tố khác cụ thể và tập trung hơn. Nói rõ bạn định điều chỉnh nhịp độ ra sao và tại sao bạn thay đổi nhịp độ có thể sẽ tạo điều kiện cho đối tượng phản hồi một cách tích cực, hay chủ động nói rằng họ muốn tiến hành cuộc trò chuyện ở tốc độ khác.

Marilyn thường cấu trúc những cuộc nói chuyện riêng với các quản lý cấp cao của cô theo kiểu nửa đầu là những mục ngắn để chuyển thông tin hoặc bắt vào những vấn đề đặc biệt, hoặc quyết định các bước tiếp theo ở vấn đề cụ thể nào đó. Marilyn thường dành nửa sau buổi gặp cho một cuộc trò chuyện suy ngẫm hơn về một vấn đề hiện tại sau khi tỏ rõ rằng cô đang căn nhịp độ của phần đối thoại này theo cách khác.

Khi Marilyn thực hiện các cuộc gặp riêng với từng quản lý cấp cao của cô về việc phát triển chính họ, cô căn nhịp các cuộc trò chuyện này theo hướng suy ngẫm hơn rồi sau đó chuyển ngoặt ở đoạn cuối khi họ bắt đầu đồng thuận về một số bước cụ thể tiếp theo.

Thực hành

  • Quan sát xem bạn tự căn nhịp độ các loại đối thoại khác nhau ra sao.
  • Hãy tính toán có chủ ý cách quản lý các cuộc đối thoại trong tương lai.
  • Nói rõ kiểu nhịp độ bạn sẽ áp dụng trong một cuộc trò chuyện.
  • Quan sát thiên hướng tự nhiên ở người khác và những yếu tố giúp họ hoặc suy ngẫm tốt hơn, hoặc chuyển sang chế độ hành động.
  • Liên tục phát triển năng lực đa dạng hóa nhịp độ của các cuộc trò chuyện sao cho bạn phát huy tối đa khả năng của người khác.