Trong bán lẻ, nhiều người nhìn nhận (và không hẳn là không hợp lý) nhân tố chính tạo nên thành công là thu mua. Những người thu mua giỏi bảo đảm có đúng hàng đúng số lượng và đúng giá – nhờ vậy khách hàng có thể tìm được thứ mình muốn với mức giá họ cho là hời.

Tuy nhiên, việc thu mua dần trở nên phức tạp đến mức tất cả các nhà bán lẻ lớn đều có những người thu mua chủ lực mà tất cả đều đáp ứng được tiêu chí thành công. Những nhà bán lẻ lớn như Tesco, Sainsbury’s, và Asda chẳng mấy khác nhau về hàng họ và giá cả: cách cạnh tranh duy nhất của những công ty này chính là cắt giảm biên lợi nhuận vốn đã eo hẹp của họ xuống nữa.

Ý tưởng

Chuỗi siêu thị Morrisons bỗng biến thành thách thức đối với các chuỗi siêu thị tầm cỡ. Morrisons kém hơn Tesco và Sainsbury’s về nhiều thứ (ví dụ, họ đơn giản hóa việc thu mua bằng cách giữ sự tập trung, do đó sản phẩm ở các cửa hàng mang đậm dấu ấn miền Bắc mà không có bất kỳ sản phẩm địa phương nào chen vào được). Giá cả của họ cũng khá tương đồng, mà chủng loại sản phẩm của họ không quá nhiều.

Tuy nhiên, điểm hay của Morrisons chính là cách trưng bày cửa hàng cực kỳ dễ chịu. Morrisons gọi kiểu trưng bày này là kiểu “Phố chợ”: các cửa hàng được sắp xếp giống như một khu chợ trời kiểu truyền thống hồi đầu thế kỷ 20, với các quầy hàng quây chung quanh, các lối đi xen giữa. Ví dụ, đa số cửa hàng đều có một hiệu bánh có chuông ngân lên mỗi khi có đợt bánh mới ra lò.

Dĩ nhiên, người ta chỉ mua sắm ở cửa hàng nào mang đến điều đáng đồng tiền theo cảm nhận của họ, mà tất cả siêu thị Morrisons đều thỏa mãn điều đó: điều Morrisons mang đến chính là một môi trường mua sắm khác biệt với những chuỗi siêu thị khác.

Thực hành

  • Xem các đối thủ của bạn đang làm gì, và hãy làm điều khác biệt.
  • Hãy cân nhắc loại hình kinh doanh của bạn – không phải cửa hàng nào cũng thích hợp với kiểu trưng bày “chợ búa”.
  • Hãy cân nhắc hình tượng bạn muốn thể hiện. Phức tạp? Truyền thống? Giá rẻ? Rồi hãy hành động tương ứng!