Tin tiêu cực cứ thi thoảng lại bùng nổ, làm cho nhân viên PR chết điếng. Trong nhiều trường hợp, người làm công tác PR sẽ cố gắng ém nhẹm tin tức, hoặc đăng tin trái chiều để phủ nhận điều đã xảy ra: phương thức này có thể hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng đa phần nó chỉ càng khuyến khích báo chí tìm kiếm yếu tố tiêu cực, cốt để chứng minh tin họ đưa ban đầu là đúng.

Điều các công ty nên làm, nhưng lại thường không làm, là chấp nhận chuyện không hay và không nghĩ ngợi gì về nó.

Ý tưởng

Quản lý quan hệ công chúng cho các nhóm nhạc pop lúc nào cũng đầy rủi ro, hệt như trường hợp của công ty tư vấn PR Henry’s House gặp phải khi họ quản lý PR cho nhóm S Club 7. Vào năm 2000, chợt có tin là ban nhạc sử dụng ma túy loại nhẹ, và có một tờ báo lá cải đã giật tin “Spliff Club 7” (spliff là một loại thuốc lá có chứa cần sa – ND).

Công ty tư vấn nhanh chóng nhận ra rằng họ vô phương ngăn cản việc đăng tin, nên đã liên hệ và phối hợp với báo chí để bảo đảm đưa tin đúng sự thật và có cái nhìn công bằng về sự việc. Công ty lý giải rằng dù gì tin cũng đăng rồi, nhưng nhờ thành thật và cởi mở với báo chí mà họ vẫn duy trì được sự rộng mở trong giao tiếp và xây dựng sự tín nhiệm trong tương lai.

Tin tiêu cực thường cũng sẽ qua đi – trừ khi bạn tỏ thái độ cản trở hoặc quanh co với báo chí, thì họ sẽ tiếp tục bới lông tìm vết.

Ứng dụng

  • Có chuẩn bị để làm rõ với báo chí.
  • Đừng lúc nào cũng cố chống lại – nếu không thể ngăn chặn, thì buộc lòng phải phối hợp với chuyện không thể tránh.
  • Giữ quan hệ tốt với giới báo chí sẽ có lợi về lâu về dài.