Những trò thu hút sự chú ý của công chúng rải rác khắp lịch sử ngành quan hệ công chúng. Mục đích của nó là tạo nên tin đồn – trò hay có thể khiến người ta bàn tán mấy ngày trời. Những trò sáng giá nhất là những trò liên quan đến sản phẩm, bắt mắt và sáng tạo – nói cách khác, chúng là những vở kịch đường phố hấp dẫn.

Đương nhiên những trò thu hút sự chú ý này cũng phải lôi cuốn được khán giả mục tiêu. Một số trò có thể bị xem là gây khó chịu hoặc không thể chấp nhận – có một số trò thậm chí còn gần như bất hợp pháp, ví dụ như trường hợp một công ty nước giải khát thuê các nghệ sĩ graffiti sơn xịt logo công ty lên các tòa nhà ở London. Muốn tìm được trò thu hút sự chú ý phù hợp thì cần phải cân bằng giữa việc thỏa mãn các tiêu chuẩn xã hội với sự tác động mạnh mẽ. Có một công ty đã tìm được cách rất đáng chú ý để làm chuyện này.

Ý tưởng

Một trong những trò kinh điển là dàn dựng vụ mâu thuẫn giữa một người chỉ huy nhóm nhạc nổi tiếng với một người ngoài cuộc về công thức pha rượu trái cây Pimm’s. Người PR dàn xếp trò này trả tiền cho cả hai người để dựng nên cuộc cãi vã ngoài đường, với sự có mặt của giới báo chí: đương nhiên, trò dàn dựng đó đã lên mặt báo, và tạo nên rất nhiều lời đồn thổi với mức chi phí tương đối nhỏ.

Việc dàn dựng vụ mâu thuẫn giữa một nhân vật tiếng tăm và một kẻ ngoài cuộc sẽ ổn thỏa nếu nhân vật danh tiếng đó đồng ý là hành vi như thế phù hợp với hình tượng của mình. Đối với khán giả mục tiêu, sự kiện này vừa gây sửng sốt vừa có sức lôi cuốn, và đồng thời cũng làm nổi bật hình tượng sản phẩm bằng cách làm ra vẻ nó đáng để tranh luận.

Thật tình cũng chẳng mấy quan trọng nếu sau này công chúng biết được đây là trò dàn dựng – người ta đã quá quen với khái niệm trò bịp!

Ứng dụng

  • Bảo đảm trò thu hút sự chú ý của bạn là hợp pháp.
  • Hãy nhớ rằng trò thu hút sự chú ý phải phù hợp với hình tượng của những người liên quan.
  • Đề phòng việc làm cánh nhà báo khó chịu – họ không thích bị lừa dối, cũng chẳng thua gì chúng ta, nhưng họ thường vui vẻ phối hợp trong mấy màn bịp bợm.