Bạn thích tham gia tranh cãi và tác động lên người khác trong cơ quan, nhưng bạn cũng cần cơ hội rút lui để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và làm mới chính mình.

Ý tưởng

Một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng có khả năng trở thành tâm điểm và có khả năng rút êm để sau đó quay trở lại với hoạt động. Không nhất thiết bạn phải luôn có mặt ở tuyến đầu mọi lúc.

Rút lui hoàn toàn không phải là dấu hiệu của sự yếu kém. Rút lui là cần thiết khi đã tới lúc bạn cần nạp lại năng lượng, làm mới mình hay suy nghĩ lại chiến lược. Cũng tới lúc rút lui khi bạn đã trao lại quyền điều khiển cho người khác – họ cần có quyền tự quyết chứ không cần bạn trông chừng.

Có những thời điểm rút lui chiến thuật là cần thiết. Bạn đã trình bày kế hoạch nhưng chưa đúng lúc để có quyết định cuối cùng. Bạn chẳng thiệt gì khi rút lui và chờ tới thời điểm thích hợp hơn. Âm thầm rút lui để vết thương lành lại còn hơn là tranh cãi rồi kết thúc với những vết thương nhức nhối.

Khi đề xuất bạn đưa ra không được sự tán thành của số đông, bạn có thể lựa chọn tiếp tục chiến đấu, hoặc rút lui rồi tìm kiếm sự ủng hộ của người khác. Khi rút lui, bạn cũng có thể lên kế hoạch sửa đổi các ý tưởng của mình để chúng tương thích hơn với số đông.

Đôi khi bạn cần rút lui để người ta nạp lại năng lượng. Nếu bạn tranh đấu quyết liệt mà không cho người khác cơ hội nghỉ ngơi làm mới mình thì có thể bạn sẽ kết thúc cuộc chiến trong đơn độc.

Thực hành

  • Tự rèn luyện khả năng nhạy bén với thời điểm nào cần tiến lên hay lùi lại.
  • Đừng coi rút lui là thất bại. Hãy coi đó là một hành động thiết thực nhằm bảo toàn sức mạnh và tái định hình quan điểm cho một dịp khác.
  • Khi quá bận rộn, hãy luôn nhớ để ngỏ khả năng rút lui và tạm nghỉ.
  • Coi rút lui là một bước đi cần thiết để xây dựng lại quan điểm của mình chứ không phải là biểu hiện của thất bại.