Dân số Hồi giáo đang tăng nhanh, 1,2 tỉ người và sẽ còn tăng nữa. Những tôn giáo khác cũng phát triển số lượng tín đồ, và tất cả đều có đặc điểm là cam kết gắn bó với các nguyên tắc về niềm tin. Càng ngày người ta càng nhận ra thương mại có vai trò to lớn, tích cực, và giá trị trong việc ủng hộ cho đức tin của con người.

Ý tưởng

Cũng giống như hầu hết những nhóm tín ngưỡng khác, Hồi giáo có những đòi hỏi riêng. Đáp ứng được những đòi hỏi này trong một thế giới phức tạp và biến đổi không ngừng đầu thế kỷ 21 là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội đầy ý nghĩa.

Ví dụ, tuân thủ luật Hồi giáo (Shariah), bảo hiểm takaful là lựa chọn thay thế cho các loại bảo hiểm thường thấy khác. Theo quan điểm của luật Shariah, bảo hiểm takaful cần thiết hơn, vì các loại bảo hiểm phổ thông khác dù cũng được tạo ra để bảo vệ khách hàng, nhưng cách nó hoạt động vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Có vài yếu tố khiến bảo hiểm phổ thông trở nên haram (không được chấp nhận) đối với người Hồi giáo khi mua bảo hiểm. Các yếu tố này là: gharar (sự không chắc chắn), maysir (sự mạo hiểm), và riba hay usury (lãi suất).

Gharar được định nghĩa là bất cứ yếu tố nào trong một hợp đồng có thể dẫn tới sự bất công hay lạm dụng. Nó bao gồm một loạt ý nghĩa tiêu cực chứa đựng sự không chắc chắn, lừa gạt, mơ hồ, và sự thiếu hiểu biết. Các học giả Hồi giáo tin rằng gharar tồn tại trong những bảo hiểm phổ thông, vì lợi ích mà hợp đồng bảo hiểm đó đưa ra luôn luôn không chắc chắn: các lợi ích có được thực hiện hay không còn tùy vào việc các sự việc được bảo hiểm có xảy ra hay không.

Trong một bảo hiểm phổ thông, các luật gia Hồi giáo tin rằng sự tồn tại của gharar (sự không chắc chắn) sẽ dẫn đến maysir (sự mạo hiểm). Mạo hiểm là ở chỗ người được bảo hiểm có thể mất toàn bộ số tiền mà họ đóng, hay có thể được bảo hiểm chi trả cho các thiệt hại phải gánh chịu chỉ khi những sự việc được bảo hiểm xảy ra.

Sự may rủi là ở chỗ những sự việc được bảo hiểm có xảy ra hay không. Nếu các sự việc được bảo hiểm xảy ra, bên mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm cho những tổn thất mà họ phải gánh, tuy nhiên nếu những sự việc được bảo hiểm không xảy ra, bên bán bảo hiểm sẽ có lợi vì nắm giữ toàn bộ số tiền đóng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã trả.

Riba (lãi suất) rất thường thấy trong việc đầu tư vào các quỹ bảo hiểm. Theo cách nhìn của Shariah, sự tích tụ tài sản phải luôn tách rời khỏi lãi suất. Vì vậy, đầu tư vào quỹ bảo hiểm có các hình thức bảo đảm dựa trên lãi suất chẳng hạn như cổ phần, trái phiếu, vốn không thuận theo các nguyên tắc của Shariah, sẽ luôn gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho những người Hồi giáo mua bảo hiểm phổ thông.

SABB Takaful là một doanh nghiệp về bảo hiểm đóng tại Ảrập Saudi, với một phần sở hữu thuộc về Ngân hàng SABB (trước đây là Ngân hàng Anh-Saudi). Takaful trong tiếng Ảrập nghĩa là “đảm bảo lẫn nhau”. Đây là một hệ thống bảo hiểm chung của người Hồi giáo được xây dựng theo nguyên tắc tabarru (quyên góp hoặc hiến tặng). Các đóng góp tabarru được tạo ra với mục đích giúp đỡ những thành viên khác trong hệ thống đối phó với các khó khăn. Điều này giảm thiểu sự tương đồng takaful với sự may rủi và sự lợi dụng. Mỗi thành viên đóng góp cho quỹ để trang trải các khoản bảo hiểm đã được dự tính, trong khi vẫn hưởng được một phần lợi nhuận đầu tư.

SABB Takaful quản lý các hoạt động của mình và đem các khoản đóng bảo hiểm đi đầu tư theo nguyên tắc Shariah. Những người tham gia chia lợi nhuận từ quỹ nhưng cũng hiểu rằng lợi nhuận này có thể giảm đi khi phải dùng để trang trải cho các tổn thất. Khi có thặng dư, nó sẽ được chia cho mọi người. Với takaful, các khoản đóng bảo hiểm được tập trung vào một quỹ dùng để chi trả cho những sự cố bất ngờ xảy ra cho bất cứ thành viên nào của chương trình bị tổn thất nặng nề. Nói cách khác, bằng việc bảo đảm khoản bồi thường từ quỹ takaful cho các tổn thất cụ thể xảy ra với bất kỳ thành viên nào của chương trình, tất cả các thành viên của chương trình cơ bản bảo vệ lẫn nhau.

Thực hành

Bảo hiểm takaful đang phát triển nhanh trong thế giới Hồi giáo, khi các công ty dịch vụ tài chính nhận ra rằng sự quản lý tài chính vững vàng và niềm tin tôn giáo tương thích nhau và thậm chí có thể bổ sung cho nhau. Mặc dù chỉ mới được triển khai vào năm 2007, tương lai của SABB Takaful – một kiểu kinh doanh tốt và đạo đức – là đầy hứa hẹn. Câu hỏi đặt ra là tại sao các công ty lại phải mất quá nhiều thời gian mới nhận ra cơ hội ở đây? Kinh doanh không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn giúp đỡ người khác theo một cách tích cực và có trách nhiệm xã hội – bằng cách ủng hộ đức tin riêng của họ.