Sản lượng tăng lên sẽ khiến người lao động có nhiều kinh nghiệm hơn – còn các công ty có nhiều công nhân kinh nghiệm có thể giảm được chi phí và tăng doanh thu.

Ý tưởng

Vào giữa những năm 1960, tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) đã để ý thấy rằng một nhà sản xuất vật liệu bán dẫn có thể giảm đến 25% chi phí sản xuất tính trên từng đơn vị mỗi khi họ tăng gấp đôi mức sản lượng. BCG kết luận điều đó là do công nhân có được kinh nghiệm hữu ích nên làm việc hiệu quả hơn.

Một biến thể của nguyên tắc “kinh tế quy mô” truyền thống, việc coi trọng kinh nghiệm của người lao động trong ý tưởng này có một ngụ ý chiến lược và rõ ràng cần được cân nhắc mỗi khi quyết định thuê nhân công dạng nào và sản xuất bao nhiêu hàng.

Tuy nhiên, tác dụng của đường cong kinh nghiệm không đồng đều ở tất cả các công ty và các ngành nghề. Dù theo đánh giá tổng quát thì chi phí sẽ được cắt giảm 20-30 phần trăm khi kinh nghiệm tăng lên gấp đôi, có nhiều công ty không đạt được con số này, mà chỉ có thể đạt được mức giảm chi phí khoảng 5%. Điều này được cho là do quy trình sản xuất khác nhau dẫn đến các cơ hội tích lũy kinh nghiệm khác nhau. Cũng không khả thi cho nhiều công ty khi tăng mạnh mức sản xuất trong lúc nhu cầu đối với một sản phẩm nào đó thì bất biến hay quy trình sản xuất phức tạp và có mức hao phí thời gian cao. Cũng nên chú ý rằng một số công ty đơn giản là không có các nguồn lực để tăng sản lượng.

Tuy nhiên, hiện tượng đường cong kinh nghiệm vẫn mang lại những bài học giá trị cho mọi công ty, cho dù những công ty này thực tế không thể tăng sản lượng. Kinh nghiệm có thể có được một cách gián tiếp qua sách vở, băng hình, và sự tư vấn từ những người dày kinh nghiệm. Một cách khác là các công ty có thể thuê công nhân là những người kỳ cựu giàu kinh nghiệm trong ngành (dù thường phải trả lương cao hơn cho họ). Các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cũng có thể ứng dụng sáng chế để tạo ra những sản phẩm mới, làm thay đổi thị hiếu thị trường, và làm cho kinh nghiệm của đối thủ trở thành lỗi thời.

Thực hành

  • Khuyến khích người lao động xem công việc của họ là một quá trình học hỏi kinh nghiệm năng động.
  • Nhận biết khi nào việc tăng sản lượng là không thích hợp – nếu nhu cầu là cố định thì việc tăng sản lượng sẽ gây thiệt hại.
  • Tránh tình trạng thay thế nhân công quá thường xuyên bằng cách tìm hiểu vì sao người ta bỏ đi.
  • Tạo cơ hội để nhân công tích lũy kinh nghiệm gián tiếp (chẳng hạn qua việc đọc sách hay huấn luyện) cũng như tích lũy kinh nghiệm trực tiếp trong quá trình sản xuất.