Người ta nói rằng hiếu kỳ là một trong những nguyên nhân hoặc động lực lớn về tâm lý. Điều này có lý. Chúng ta hiếu kỳ. Đó là bản năng. Mọi động vật cấp cao đều bắt đầu khám phá về thế giới ngay khi chúng có thể. Chúng ta thắc mắc về nhiều thứ. Chúng ta thích làm rõ mọi thứ. Hầu như ngay sau khi biết nói, trẻ con bắt đầu hỏi “Tại sao?”
Đây quả là một thông tin tuyệt vời cho những người làm copywriter. Chúng ta có thể dựa vào tính tò mò của độc giả để lôi kéo họ vào bài viết của mình. Bạn không biết là bạn cần phải trả lời những câu hỏi của họ để bán được hàng hay sao?
Ý tưởng
Từ Personal Computer World, một tạp chí công nghệ thông tin.
Độc giả và cũng là người đặt mua báo dài hạn của Personal Computer World (PCW) có học vấn cao, hầu hết là nam giới và đa số là chuyên gia công nghệ thông tin. Tôi được giao nhiệm vụ viết một thư quảng cáo trực tiếp để so sánh với những lá thư hiện tại. Cũng giống như bao copywriter khác, tôi thấy phần mở đầu khó viết nhất. Không phải vì tôi không thể bắt đầu mà là vì tôi chưa thể chọn cách thu hút nào có thể cho ra kết quả tốt nhất. (Chà, nếu có thể tôi sẽ là một nhà tâm lý, chứ không phải viết quảng cáo để kiếm sống).
Cuối cùng, tôi đã quyết định chọn ý tưởng rằng phái mạnh luôn tự hào là chuyên gia về công nghệ và nỗi sợ hãi cố hữu của họ là bị tụt hậu so với thời đại. Chính điều này sẽ giúp tôi mở đầu lá thư. Nhưng bắt đầu thế nào đây? Cuối cùng tôi đã viết như thế này:
Ông Sample thân mến,
Tôi nghĩ ông cũng giống tôi. Ông đam mê công nghệ và muốn thứ tốt nhất mà ông có thể, hoặc là hơn thế nữa.
Câu văn sáu từ đầu tiên có một số tác dụng nhất định. Nó mời gọi độc giả đọc qua nó vì nó quá ngắn. Điều đó cũng ngầm ám chỉ rằng phần còn lại của bức thư cũng sẽ rất dễ đọc. Và quan trọng nhất đó là nó kích thích óc tò mò của độc giả. Đây là một bức thư dài hai trang, vì thế, tôi cho là độc giả sẽ liếc qua trang thư và xem người gửi là ai. Trong trường hợp này là biên tập viên. Vì vậy, câu hỏi mà độc giả nghĩ đến khi đọc phần mở đầu của tôi là “Tôi giống biên tập viên của PCW chỗ nào?” Đó cũng là một cách tinh tế để tâng bốc họ. Bằng cách mở bài như thế, tôi đã tác động thẳng vào lòng tự tôn của độc giả và khuyến khích anh ta đọc tiếp. Nói cách khác, tôi bắt đầu hướng dẫn anh ta lần lượt đọc qua từng đoạn của tôi.
Thực hành
- Nếu có thể, hãy sử dụng tính hiếu kỳ của độc giả như một động cơ, nhưng hãy chắc rằng nó có mối liên hệ tới lợi ích của độc giả. Trong ví dụ trên, độc giả tò mò muốn biết anh ta giống một người có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin như thế nào.
- Một kỹ thuật đơn giản để lôi kéo và giữ chân người đọc là bảo với họ rằng “Bây giờ tôi sẽ tiết lộ với bạn một bí mật về công ty XYZ.”