Chia sẻ những điều bạn học hỏi được với người khác sẽ tối đa hóa khả năng ảnh hưởng của kiến thức đó. Nếu bạn khư khư giữ chúng cho riêng mình thì đóng góp của bạn sẽ ít hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ý tưởng

Chúng ta không ngừng tiếp thu kiến thức, hiểu biết mới. Xu hướng đầu tiên là ta thường muốn giữ các kiến thức đó cho riêng mình. Tại sao phải chia sẻ với người khác khi mà những thông tin đó sẽ có lợi cho họ?

Nếu bạn có thể “nghe ngóng mọi chuyện” sao cho nhạy bén với các ý tưởng, ưu thế và giải pháp đang được triển khai, bạn sẽ được người khác tìm đến. Đây không phải là ngồi lê đôi mách tiêu cực, mà là thu thập kiến thức, chắt lọc và chia sẻ chúng trong những tình huống bạn cho là chính xác và hữu dụng.

Nếu là giảng viên của một trường đại học, bạn cần thu thập thông tin về thái độ cũng như cách tiếp cận của sinh viên. Chia sẻ hiểu biết đó với các đồng nghiệp sẽ giúp họ có thể phản ứng nhanh nếu như có mối quan ngại về cách giảng bài hay những kỳ vọng áp đặt lên sinh viên.

Không tránh khỏi có lúc người khác sử dụng thông tin bạn cung cấp cho họ thành của mình và được ghi công. Thế nhưng về lâu dài thì vẫn đáng để tích lũy và chia sẻ kiến thức vì điều này giúp bạn xây dựng danh tiếng nhạy bén với thời cuộc và có khả năng nhận định các xu hướng.

Thực hành

  • Không ngừng học hỏi và phát triển vốn hiểu biết của mình.
  • Sẵn sàng chia sẻ tri thức bạn đã tích lũy được trên tinh thần xây dựng. Coi việc chia sẻ kiến thức là trách nhiệm công dân của cơ quan bạn.
  • Hãy coi chừng nếu bạn trở nên quá ôm giữ kiến thức.
  • Chấp nhận là khi chia sẻ kiến thức thì không phải lúc nào cũng được ghi công đầy đủ.
  • Chấp nhận rằng chia sẻ hiểu biết là cách gây ảnh hưởng với người khác rất hiệu quả.