Mối quan hệ giữa khách hàng và bên cung ứng là đáng quan tâm. Những người liên đới không bắt buộc phải thích nhau, ít nhất thì không theo nghĩa “Hãy đến ăn tối nhé”, nhưng họ phải có một mối quan hệ làm việc tốt. Phải tin tưởng rằng bên cung ứng sẽ làm những gì họ nói – hay hứa làm – và phải có một mức độ tôn trọng nhau. Cái sau có thể có được bằng một số cách, nhiều cách trong số đó liên quan đến dịch vụ và những gì được hoàn tất.

Ý tưởng

Đây là kinh nghiệm của riêng tôi…

Tôi đang bàn bạc với một khách hàng tiềm năng về việc giao thực hiện công tác huấn luyện cho công ty họ. Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, và tiếp theo là việc tôi trình bày một bản dự kiến. Một cuộc họp khác cũng đã được sắp xếp. Như thường vẫn vậy, tôi cố gắng đến sớm vài phút và hiện diện ở chỗ tiếp tân. Giờ hẹn – 10 giờ sáng – đến và trôi qua. Tới 10 giờ 20 tôi đến nói chuyện với tiếp tân để chắc chắn là sự có mặt của tôi đã được thông báo cho những người có liên quan. Họ quả quyết là đã thông báo.

Đến 10 giờ 30, vẫn không có lời nào từ khách hàng tiềm năng (ngay cả lời mời một tách trà cũng không!), tôi bèn viết một mẩu giấy để lại ở tiếp tân. Trong giấy, tôi giải thích là tôi có một cuộc hẹn khác và không thể đợi thêm, nhưng tôi hy vọng có thể sắp xếp lại một cuộc gặp khác. Tôi nói với tiếp tân nội dung viết trong giấy, và nhờ cô ấy chuyển tờ giấy đi. Khoảng 40 phút sau giờ hẹn, tôi rời khỏi đó. Chỉ mất khoảng nửa giờ là tôi trở về đến bàn làm việc của mình, và nhận được một email và tin nhắn thoại xin lỗi, và hỏi về việc có thể sớm thu xếp một cuộc gặp khác không.

Vấn đề ở đây là tôi đã đưa ra một lời nói dối vô hại. Thực tình tôi có thể đợi thêm, nhưng tôi chọn không chờ đợi. Tôi đã gặp khách hàng quan tâm đến vấn đề đang bàn và đã có thể đoán được mức độ quan tâm của họ. Tôi biết, hay là tôi nghĩ, kiểu quan hệ này đang tiến triển. Tất nhiên tôi biết tôi muốn được nhìn nhận như thế nào. Tôi cảm thấy bằng việc bỏ đi tôi sẽ mang lại lợi ích cho mình nhiều hơn là ngồi đó ngoan ngoãn chờ đợi cho đến khi họ thấy có hứng để gặp gỡ.

Tất nhiên, sự phán xét và yếu tố rủi ro là có liên quan đến ở đây, nhưng trong tình huống này thì cách xử sự như vậy đã có hiệu quả. Một cuộc họp khác nhanh chóng được sắp xếp. Hai bên gặp nhau và bắt đầu bằng những lời xin lỗi. Tôi nói rằng tôi lấy làm tiếc vì phải đi, nhưng là vì không muốn để người khác phải chờ. Cuộc họp kết thúc với việc ấn định được ngày chính xác cho khóa học đang bàn đến.

Thực hành

  • Trọng tâm khách hàng không bao hàm sự phục vụ, vì vậy hãy tạo vị thế chủ động cho chính bạn như một người có tác phong chuyên nghiệp.
  • Điều chỉnh động thái này cẩn thận đối với từng khách hàng cụ thể.