Thường thì giới phóng viên sẽ muốn biết tiểu sử về bạn. Việc này là để giúp họ điền vào vài chỗ trống trong lời bạn nói và cũng là để tạo lập uy tín của bạn – tức là bạn có thực sự có căn cứ để nói những gì bạn đang nói hay không.

Đáng tiếc là rất nhiều người lại có vẻ nhầm lẫn “tiểu sử” với lý lịch rồi gửi cả mớ tạp nham chán ngắt về trường đại học mà họ đã theo học, nơi họ đã từng làm và bằng cấp của họ.

Ý tưởng

Phát triển hẳn một tiểu sử dành cho giới phóng viên. Tất nhiên bạn có thể nêu tên trường đại học của bạn nếu muốn, song nếu thay vì nói rằng bạn đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hạng 2.1 (khá) như thế nào, bạn nói rằng bạn từng là đội trưởng đội đua thuyền hoặc giữ kỷ lục chạy nhanh nhất từ giảng đường tới quầy bar thì bạn sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn hẳn.

Điều này là bởi những chi tiết nói trên khiến bạn là một con người ba chiều chứ không phải một cái lý lịch di động hai chiều. Hãy đưa vào tiểu sử những khoản như sở thích cá nhân, tên và nghề nghiệp của vợ hay chồng bạn – thậm chí đôi điều về con cái hay con vật cưng của bạn cũng sẽ được hoan nghênh.

Chủ nhân một trường dạy lái máy bay đã đưa vào chi tiết ông ta từng chở khách du lịch bay qua thác Victoria trên một chiếc phi cơ siêu nhẹ. Trải nghiệm bay có phần kỳ lạ này có thể không liên quan nhiều tới việc đưa học viên đi tập huấn bay xuyên vùng tại Wiltshire, tuy nhiên lại cho thấy rằng chúng ta đang giao tiếp với một nhân vật thú vị.

Ứng dụng

  • Hãy xem xét lý lịch hiện tại của bạn. Nó nói lên được gì về bạn với tư cách một con người? Chẳng bao nhiêu ư?
  • Bạn sẽ tự miêu tả mình với người bạn đời tương lai ra sao? Đó chính là những điều khiến bạn là con người đấy!
  • Điều chỉnh tiểu sử của bạn tùy theo người mà bạn đang gửi bài tới. Cố gắng đưa đó vào những điều mà phóng viên và/hay biên tập viên sẽ cho là có liên quan tới ấn phẩm.