Tạo ra những nơi mà mọi người muốn đến – để vui chơi với cộng đồng, thư giãn, hay đơn giản là để thực hiện một hoạt động thường nhật như đọc sách hay làm việc – điều đó có thể trở thành một sản phẩm sinh lời.

Ý tưởng

Mới nhìn, khái niệm này có vẻ tương đồng với khái niệm “không gian thương hiệu”. Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng: “không gian sống” biến ý tưởng về những cấu trúc mà nhiều người ước ao thành sản phẩm chính và thành nét đặc biệt chủ chốt của món hàng thu hút người mua – một khía cạnh nền tảng của kinh doanh.

Không gian sống đặc biệt phổ biến ở các thành phố, nơi các căn hộ thì chật hẹp, văn phòng thì tù túng, và đôi khi các khu vực công cộng không an toàn khiến người ta phải tìm kiếm sự thay đổi khung cảnh để được thư giãn hơn. Trend Watching, một tổ chức ghi nhận xu hướng tiêu dùng, đã mô tả khái niệm không gian sống như sau: “… Dân thành thị đánh đổi những phòng khách gò bó, trống vắng để lấy cảm giác sống động đời thực trong những không gian thương mại có vẻ giống như phòng khách, nơi các món ăn và hình thức giải trí không chỉ tạo ra sự thu hút mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động thường thấy trong phòng khách hay văn phòng nhỏ như xem phim, đọc sách, gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp, hay làm công việc quản trị.”

Trong khi nhiều doanh nghiệp thành công, như quán cà phê nhượng quyền Starbucks và nhà bán lẻ sách Borders, kết hợp ý tưởng không gian sống với các sản phẩm khác, thì cũng có ngày càng nhiều doanh nghiệp rất quan tâm tạo ra cho khách hàng một không gian đơn thuần chỉ để sống. Paragraph NY là một trong những công ty như vậy. Doanh nghiệp này mở một không gian rộng 230m2 trên một tầng lửng gần quảng trường Union Square để phục vụ những người có thẻ hội viên tháng 100 đôla trở lên. Không gian này có hai khu vực là phòng viết lách và sảnh thư giãn.

Hội viên có thể làm việc trong những khoang nhỏ kiểu như ở thư viện, hoặc thư giãn và giao tiếp với các thành viên khác – đó là kiểu một căn nhà hiện đại nhưng lại xa nơi trú ngụ.

Thực hành

  • Thiết kế không gian sống chu đáo và thiết thực – chú trọng phong cách và sự thoải mái, và sử dụng đồ đạc có chất liệu êm và mềm, vách ngăn không gian cách âm, đảm bảo cho không gian sống mà bạn tạo ra giữ được sự thoải mái và ấm cúng.
  • Tạo cơ hội cho hoạt động giao tiếp nhưng vẫn có sự riêng tư tương đối trong không gian này.
  • Cân nhắc việc tăng lợi nhuận bằng cách bán quảng cáo trong không gian sống. Bạn không nên để quảng cáo làm ảnh hưởng đến cảm giác thẩm mỹ, sành điệu, sắc sảo, nhưng những quảng cáo được đặt đúng chỗ có thể làm khách hàng chú ý và có ích hơn.
  • Ngay cả nếu như dự định kinh doanh ban đầu của bạn không hướng đến việc tổ chức một không gian sống, bạn vẫn có thể phối hợp một vài nguyên tắc trên vào hoạt động kinh doanh của bạn để lôi kéo khách hàng tiềm năng.