Phát triển nguồn vốn tri thức là điều rất cần thiết, vì kiến thức được xem vừa là tài sản vừa là nguồn lực. Lew Platt, nguyên CEO của Hewlett-Packard, nói rằng: “Nếu HP biết được những gì cần biết, chúng tôi có thể tăng gấp ba lợi nhuận.”

Ý tưởng

Kiến thức là nguồn vốn tri thức mà một công ty sở hữu được. Phát triển của công nghệ và internet đã đẩy mạnh sự bùng nổ kiến thức cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Bởi vì có quá nhiều nguồn thông tin và kiến thức nên điều quan trọng cho một tổ chức là làm thế nào để phát triển và sử dụng thông tin một cách sáng tạo.

Nguồn vốn tri thức là tài sản có thể được tạo ra từ kiến thức. Nhà văn Thomas Stewart cho rằng: “Trí tuệ trở thành tài sản khi mệnh lệnh hữu ích được tạo ra từ sức mạnh tư duy tự do lưu chuyển… trí tuệ của công ty trở thành nguồn vốn trí tuệ chỉ khi nó được triển khai để làm một việc mà việc đó không thể hoàn thành được nếu như trí tuệ của mọi người vẫn bị rơi vãi khắp nơi như những đồng tiền lẫn trong đống bùn.”

Kiến thức và thông tin phải được góp nhặt, bảo vệ và quản lý nếu nó được xem là nguồn tài nguyên có giá trị. Leif Edvinsson, được bổ nhiệm năm 1991 vào vị trí giám đốc về nguồn vốn tri thức đầu tiên trên thế giới tại Skandia (công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Thụy Điển), đã chia nguồn vốn tri thức thành ba loại:

  • Nguồn vốn nhân lực, nằm trong đầu của người lao động.
  • Nguồn vốn cấu trúc, thuộc về tổ chức.
  • Nguồn vốn khách hàng, có được từ những mối quan hệ tốt đẹp mà công ty có được với khách hàng của mình. Nguồn vốn khách hàng được xem là một phần của nguồn vốn cấu trúc.

Phương pháp của Skandia theo dõi xem nguồn vốn tri thức đang tăng hay giảm, tập trung vào văn hóa và cách tư duy của tổ chức về việc làm tăng tài sản vô hình của nó. Trong cách nghĩ của Edvisson:

Nguồn vốn tri thức là sự kết nối của nguồn vốn nhân lực – bộ não, kỹ năng, sự hiểu biết và những khả năng khác trong một tổ chức – và nguồn vốn cấu trúc – quá trình gói gọn trong những vấn đề về khách hàng, quy trình, dữ liệu, thương hiệu và hệ thống. Ðó là khả năng chuyển đổi kiến thức và những tài sản vô hình thành những nguồn tài nguyên tạo ra sự giàu có, bằng cách nhân nguồn nhân lực với nguồn vốn cấu trúc. Đây chính là hệ số nhân của nguồn vốn tri thức.

Tại Skandia, nguồn vốn nhân lực được chia thành tập trung vào đối tượng khách hàng, tập trung vào quy trình làm việc, và tập trung vào sự đổi mới và phát triển. Edvinson đã thiết kế một quy trình làm việc cho các bộ phận trong doanh nghiệp báo cáo về tất các lĩnh vực của nguồn vốn tri thức, giúp công ty xác định được nguồn tài sản trí tuệ vô hình của mình. Hơn thế nữa, quản lý nguồn vốn tri thức còn nuôi dưỡng sự sáng tạo và tư duy mới, giúp hình thành một não trạng sẽ khiến Skandia cạnh tranh được trong tương lai.

Thực hành

  • Thực hiện kiểm toán kiến thức. Chỉ một số công ty biết được kiến thức gì họ cần sở hữu – vì họ thiếu kiến thức hoặc đơn giản bỏ qua nó. Kiểm toán kiến thức đo được độ rộng, độ sâu và vị trí của kiến thức của một công ty. Nó bao gồm ba phần cốt lõi:
    • Xác định tài sản nào đang hiện hữu – đặc biệt là thông tin và kỹ năng nào khó thay thế hoặc thay thế tốn kém.
    • Xác định vị trí của tài sản: ai giữ hoặc sở hữu chúng.
    • Phân loại và xem xét chúng có quan hệ như thế nào với những tài sản khác. Điều này hé mở cơ hội cho các phòng ban khác.
  • Tăng lượng kiến thức trong những lĩnh vực then chốt. Điều này được thực hiện theo ba cách: mua, thuê (thuê tư vấn viên) hoặc phát triển thông qua đào tạo.
  • Duy trì kiến thức. Khoảng cách kiến thức giữa các nhân viên khiến công ty dễ gặp nguy hiểm trong cạnh tranh. Công ty có thể bị mất những nhân viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao do giảm biên chế hoặc do lòng trung thành của đội ngũ nhân viên lâu năm có thể giảm sút. Những tình huống đó cho thấy sự cần thiết phải nắm bắt, hệ thống hóa và “tồn trữ” chuyên môn và kiến thức của nhân viên.
  • Bảo vệ kiến thức. Những nguồn kiến thức rõ ràng như bản quyền hay thông tin được soạn trong sổ tay hướng dẫn, trong hệ thống hay quy trình làm việc, có thể được bảo vệ một cách hợp pháp. Những kiến thức ngầm, thông tin được lưu giữ bởi cá nhân, bao gồm việc học hỏi, kinh nghiệm, quan sát, suy luận, và các kiến thức không chính thức khác, có thể chỉ nhận được sự bảo vệ hợp pháp một cách giới hạn qua những điều khoản không cạnh tranh chẳng hạn. Cần đảm bảo những kiến thức có giá trị này được lưu giữ và lưu truyền.
  • Xây dựng hệ thống thông tin. Một hệ thống quản lý thông tin hiệu quả sẽ kết nối và quản lý thông tin, và giúp cho việc hoạch định. Khi phát triển hệ thống này, hãy quyết định thông tin nào cần thiết cho việc nâng cao khả năng quyết định và đạt được mục tiêu.
  • Quản lý dòng thông tin. Hiểu sự vận động của thông tin, nó được sử dụng để làm gì và phương cách ứng dụng nó.