Đảm bảo cuộc thảo luận diễn tiến với nhịp độ phù hợp giúp tăng cơ hội có ảnh hưởng cá nhân lớn hơn. Nếu quá chậm người ta sẽ mau chóng chán nản và mất hứng thú.

Ý tưởng

Nhịp độ cuộc đối thoại có thể tạo khác biệt lớn cho sự thành công. Biết rõ thời lượng dành cho một cuộc họp luôn hết sức hữu ích. Khi ai đó nói rằng bạn chỉ có năm phút để trình bày quan điểm của mình, thì liệu bạn có cảm thấy bối rối hay bực bội bởi sự giới hạn đó không? Hay bạn sẽ tập trung vào các điểm chính hoặc các câu hỏi quan trọng mà bạn muốn nêu ra?

Chúng ta thường tiếp cận các cuộc họp và các cuộc thảo luận với vô số ý nghĩ lộn xộn trong tâm trí. Để sẵn sàng cho bất cứ cuộc họp hay thảo luận nào cần đơn giản hóa các luận điểm trình bày hay các câu hỏi muốn nêu ra. Ở một chừng mực nào đó, bạn cần hiểu rõ “nghệ thuật quảng cáo trong thang máy” – bạn sẽ nói gì với ai đó trong thang máy trong khoảng thời gian ngắn ngủi chừng 30 giây. Một khi nắm rõ những luận điểm cơ bản nhất, bạn có thể lồng thêm vào các thông số hay quan điểm quan trọng nếu có thời gian.

Nếu biết rõ cuộc thảo luận chỉ kéo dài tối đa 30 phút, bạn sẽ sử dụng quãng thời gian đó thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Điều đầu tiên là hãy nghĩ xem người khác muốn gì trong thời lượng đó, như thế bạn sẽ có cách phản ứng thích hợp với nhu cầu của họ và đưa ra được những quan điểm của mình. Việc thống nhất trước khoảng thời gian 30 phút được phân chia như thế nào với hai hay ba chủ đề là hết sức hữu ích.

Đôi khi xác định thể loại tương tác ngay từ đầu một cuộc thảo luận là rất hữu ích. Đó có thể là trao đổi thông tin, tìm giải pháp cho các vấn đề đặc biệt, hay tìm kiếm tầm nhìn chiến lược cho tương lai. Một khi những người tham gia nắm rõ hay thống nhất về các chủ đề lẫn thể loại của cuộc thảo luận, họ sẽ dễ đóng góp và cũng dễ bắt đúng nhịp cuộc thảo luận hơn.

Hãy coi chừng sự căng thẳng. Liệu căng thẳng có khiến bạn nói quá nhanh hay nói quá nhỏ không? Bạn cũng cần xác định rõ cách ứng phó hữu hiệu nhất với sự căng thẳng của bản thân.

Thực hành

  • Để ý nhịp độ yêu thích của bạn trong các cuộc thảo luận.
  • Nhận thức được điều xảy ra với bạn khi căng thẳng – nhịp độ nói chuyện nhanh hơn hay chậm hơn?
  • Xác định rõ điều mình muốn đóng góp trong các cuộc thảo luận và cẩn trọng đừng quá nhiều lời.
  • Luôn nhớ rằng trò chuyện là quá trình hai chiều – bởi vậy hãy lưu tâm khi có tình trạng nói quá nhiều hay trở nên quá im lặng.