Để tối đa hóa lợi ích của một cuộc trò chuyện huấn luyện cần phải thỏa thuận về giải pháp mà đối tượng sẽ tiến hành và các bước tiếp theo của họ.

Ý tưởng

Một cuộc trò chuyện huấn luyện thành công hiếm khi nào kết lại với đúng mười hai ý tưởng hành động. Trong một cuộc đối thoại hay, người ta có thể nói rõ suy nghĩ của họ và đúc kết cách tiếp cận tổng quát mà họ sẽ tiến hành. Có thể cũng có vài ý tưởng hành động nhưng không quá nhiều.

Các cuộc trao đổi để huấn luyện có tác động sâu sắc nhất thường dẫn tới thay đổi về thái độ hơn là các bước đích xác tiếp theo. Nếu ai đó rời một cuộc đối thoại, tin tưởng rằng họ có thể tạo ra bước tiến triển với lòng tự tin mới mẻ, thì phản ứng dây chuyền từ đó có thể rất đáng kể.

Khi một cuộc trao đổi để huấn luyện dẫn tới biến đổi trong mức độ tự tin hay hiểu biết rõ ràng hơn về một vấn đề nào đó, thì chuyện không thể sẽ biến thành có thể. Có một số người cần đảm bảo có được các gợi ý hành động mới cảm thấy rằng một cuộc trao đổi để huấn luyện là đáng giá. Còn có những người khác, tốt hơn hết là để mặc cho họ suy nghĩ qua đêm, ngẫm ngợi lại những gì họ đã thảo luận và rồi mới đi tới kết luận về các bước tiếp theo.

Với nhiều người, sẽ là hữu ích nếu ghi lại các bước tiếp theo và các điểm hành động đã được thỏa thuận khi tham gia một cuộc trao đổi để huấn luyện. Những ghi chép ấy sẽ cung cấp tham chiếu cho cuộc trò chuyện tiếp sau, đồng thời là nguyên tắc cho người đó làm theo cuộc trao đổi để huấn luyện này.

Thường cũng sẽ hữu ích khi kết luận một cuộc trao đổi để huấn luyện bằng một câu hỏi gợi mở như “anh thu được gì từ cuộc trò chuyện này?”, hay “cuộc trò chuyện này giúp làm rõ cách tiếp cận và các bước tiếp sau của anh như thế nào?” Luôn rất thú vị khi nhìn thấy những điểm đã trao đổi nào đọng lại trong trí nhớ của ai đó.

Fiona cảm thấy cô rất khó làm việc với một vị bộ trưởng nọ. Vị bộ trưởng này luôn đến họp trễ giờ và không bao giờ tỏ vẻ hào hứng với bất cứ điều gì cô nói. Fiona không hề muốn gặp vị bộ trưởng này nhưng cô biết cô phải thay đổi thái độ của mình. Fiona nói chuyện với Margaret, người từng là thư ký riêng của một vị cựu bộ trưởng. Margareth khích lệ Fiona nghĩ về những điều cô thích ở vị bộ trưởng ấy và những kết luận cô đã từng đạt được với họ.

Fiona nhận ra rằng vẫn có tiến triển với vị bộ trưởng mặc dù cô khó chịu với lối hành xử cá nhân của ông này, vốn giống một cậu choai choai thô thiển hơn là một thành viên chính phủ được bầu ra. Fiona rời khỏi cuộc trò chuyện với Margaret với một nụ cười trên gương mặt: nếu cô coi vị bộ trưởng như một gã choai choai sưng sỉa, cô có thể chịu đựng được lối cư xử của ông ta và tập trung vào việc đạt tới các kết luận hơn là bị lấn át bởi nỗi bực tức riêng tư với ông ta.

Thực hành

  • Tạo điều kiện để người ta tự tìm ra các bước tiếp theo hơn là bảo cho họ biết phải làm gì.
  • Coi sự thay đổi về thái độ là một kết quả tích cực.
  • Hướng tới các hành động được đôi bên thỏa thuận, nhưng không để nó trở thành một danh sách quá dài.
  • Thống nhất một cách thức phù hợp để ghi lại các kết luận.
  • Quay lại ở cuộc đối thoại tiếp theo để đánh giá tiến triển của các hành động đã được thỏa thuận.