Quan sát phản ứng của chính mình và cảm xúc cũng như hoàn cảnh của mọi người mang lại những dữ kiện giá trị cho biết chuyện gì đang ngầm diễn ra.

Ý tưởng

Ta lúc nào cũng lấy chính mình ra làm phong vũ biểu. Khi bước vào một căn phòng, ta lập tức đo lường nhiệt độ: ta khẽ rùng mình vì lạnh hay ta vã mồ hôi nếu trong phòng nóng nực. Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, ta cũng luôn luôn trải nghiệm những phản ứng cảm xúc, cung cấp cho ta những dữ kiện giá trị. Những phản ứng cảm xúc này cần qua kiểm chứng vì có thể sai lầm, nhưng dù sao đi nữa đó vẫn là những dữ kiện giá trị. Khi bạn bước vào một căn phòng có vẻ lạnh, bạn có thể muốn hỏi ý những người khác nữa xem họ cảm thấy nhiệt độ thế nào thay vì lập tức vặn nút chỉnh nhiệt độ cao lên.

Khi bạn đang ở trong một cuộc trò chuyện huấn luyện đối tượng nào đó, thì coi bản thân như phong vũ biểu là việc đáng làm. Tôi đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào về điều người này đang nói? Tôi đang cung cấp một tầm nhìn rộng hơn từ những tình huống khác tương tự hay vì tôi đã quan sát người này trong các bối cảnh trước đây? Trực giác của tôi về những gì sắp sửa xảy ra trong tình huống họ đang miêu tả là gì? Trực giác như vậy sẽ xuất phát từ rất nhiều ăngten thu tín hiệu khác nhau.

Việc huấn luyện hiệu quả trong vai trò quản lý hoặc lãnh đạo xuất phát từ chỗ trực giác hỗ trợ trở lại cho những câu hỏi hoặc phương pháp tiếp cận mà bạn sử dụng. Nếu bạn có một phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, thì rất đáng chia sẻ phản ứng đó như một quan sát có thể dẫn tới thảo luận xem phản ứng của bạn nói lên điều gì về tình huống ấy. Nếu phản ứng của bạn kiểu như là, ‘chưa phải hết cách đâu’, thì rất đáng nói ra. Nếu một viễn cảnh hoặc hình ảnh nào đó nảy ra trong đầu, thì rất nên chia sẻ viễn cảnh hoặc hình ảnh ấy và thảo luận xem tương tự là gì. Nếu bạn có thể thấy một ví dụ tương tự hay ẩn dụ nào đó có thể hiệu quả, thì rất nên bàn cho thông suốt.

Khi Gemma và Hazel trao đổi về cách Gemma quán xuyến vai trò mới của cô, Hazel quan sát phản ứng cảm xúc ở chính mình. Hazel để ý xem khi nào cô có thiện cảm với những gì Gemma đang làm, và khi nào thì cách giải quyết của Gemma khiến cô khó chịu. Hazel cẩn thận tránh dùng phản ứng này để phán xét Gemma đang làm đúng hay không, nhưng Hazel biết cảm xúc của mình cung cấp cho cô những dữ kiện giá trị nếu cô chịu lắng nghe. Thỉnh thoảng cô sẽ nói, “Tôi thích cách của cô đấy”. Đôi lần Hazel nói rằng cách tiếp cận nào đó “khiến cô hơi khó chịu” nhưng cô không rõ tại sao. Kiểu nhận xét thế này tạo ra một cuộc trò chuyện ngẫm ngợi hiệu quả, trong đó Gemma suy nghĩ lại xem liệu cô đã sử dụng cách tiếp cận phù hợp hay chưa.

Thực hành

  • Quan sát phản ứng cảm xúc của chính bạn xem chúng mang lại cho bạn những dữ kiện nào.
  • Coi bản thân là một phong vũ biểu, nhận biết khi nào bạn có thiện cảm, khi nào bạn thấy ác cảm với điều gì.
  • Sẵn sàng chia sẻ những gì bạn cảm nhận về chiều hướng của hành động nào đó nếu bạn cho là làm vậy sẽ hữu ích.
  • Trưng ra những phản ứng làm ý nghĩ để đối tượng huấn luyện cân nhắc, chứ không chỉ dẫn cho họ làm.
  • Kiểm tra xem những suy đoán từ phong vũ biểu của bạn có liên hệ chặt chẽ với phản ứng của người khác không.