Một khi đã đạt được sự chấp thuận, hãy dành thời gian để xác lập một tập hợp kỳ vọng chung.

Ý tưởng

Trong các giai đoạn đầu, cảm xúc có thể xen vào, đồng nghĩa với việc đối thoại dựa trên lý trí là bất khả thi. Nhưng một khi đồng thuận ngầm rằng thay đổi là cần thiết, ta đã có cơ hội vượt qua rào cản đau buồn và động viên mọi người suy nghĩ thấu đáo xem những lợi ích tiềm tàng có thể là gì. Một câu như, ‘có thể ta không muốn gặp vận này, nhưng làm thế nào tận dụng tối đa hoàn cảnh?’ có thể bắt đầu kích thích suy nghĩ nghiêm túc về những gì tiếp theo. Một khi hiện thực của hoàn cảnh bắt đầu được chấp nhận, đặt một vài cột móng vào đúng chỗ xem khung cảnh mới sẽ ra sao có thể khả thi.

Câu, ‘kỳ vọng của chúng ta về những khác biệt ta có thể tạo ra là gì?’ có thể biến đổi cả chuỗi chán nản thất vọng thành một luồng xoáy hướng lên trên, làm rõ những cơ hội. Xoay chuyển cảm xúc để lạc quan thay vì thất vọng sẽ bắt đầu tạo ra ý thức về cơ may, đẩy lùi cảm giác chán nản. Bạn càng chi tiết cụ thể về kết quả tiềm năng bao nhiêu, thì khả năng chúng được coi là có thể thực hiện sẽ càng cao bấy nhiêu, và càng đáng bỏ công bỏ sức để đạt tới những kết quả ấy.

Khi đã rõ là một phần công việc phải chuyển sang Ấn Độ, John tìm cách xây dựng sự thông hiểu với người đồng liêu cấp cao bên phía Ấn Độ về năng lực của các nhân viên. Họ phối hợp với nhau để xác lập đúng loại kỳ vọng về những phần công việc nên được chuyển giao, các kết quả sẽ ra sao và làm thế nào để đạt được kết quả ấy. John lôi kéo mọi người ở Anh và Ấn Độ làm việc cùng nhau nhằm xác định bản chất đích xác của công việc được chuyển giao và các tiêu chuẩn chất lượng đóng vai trò căn bản để chuyển giao thành công.

John làm việc với nhóm của mình xem tiếp theo họ sẽ làm gì, kỳ vọng về chất lượng thực hiện, và làm thế nào họ đảm bảo khách hàng tin tưởng rằng chất lượng công việc tuyệt hảo vẫn sẽ đạt được, bất kể thực hiện ở Anh hay ở Ấn Độ.

John không ngừng lôi kéo nhân viên của anh tập trung vào chất lượng của kết quả, và sát cánh cùng nhau tập trung vào hiện thực hóa kết quả ấy. Dần dần, nhóm làm việc ở Ấn Độ và ở Anh đã tiến đến chỗ có thể trao đổi về một tầm nhìn chung. John từng đoán là bắt đầu từ đây, năng suất sẽ bị sụt giảm, nhưng anh nghĩ anh đã đạt được một kết quả tốt, khi nhân viên ở cả hai nước đều muốn phát triển một tầm nhìn chung rõ ràng.

Thực hành

  • Hãy cụ thể về các kết quả mong muốn và thường xuyên nhắc lại chúng.
  • Khuyến khích xây dựng các mối quan hệ cá nhân giữa những người thoạt tiên có vẻ hơi lạnh lùng hoặc không chắc chắn, để đưa họ tiến đến chỗ mong muốn bắt đầu một tầm nhìn chung.
  • Giữ trọng tâm đặt vào việc truyền đạt rõ ràng những kết quả ấy.
  • Bắt mọi người đối mặt với hiện thực khắc nghiệt nếu họ không chịu toàn tâm toàn ý thực hiện những kết quả ấy.
  • Cho phép bộc lộ những nghi ngại một cách cẩn trọng theo cách cung cấp thông tin chứ không phải để làm hại đến công việc chung.