Nếu bạn có thể mang lại hiểu biết thấu suốt, nó có thể giúp người khác điều chỉnh vấn đề theo cách cho phép họ tư duy đi tới. Thường thì hiểu biết thấu suốt có thể tạo nên một sự đột phá.

Ý tưởng

Một trong các tổng giám đốc ở một tổ chức mà tôi huấn luyện có tiếng là luôn mang lại hiểu biết mới mẻ cho bất cứ tình huống nào. Nếu một giám đốc hoặc phó giám đốc loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề cụ thể nào đó họ biết ngay chỉ cần dành ra mươi phút với vị tổng giám đốc đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm này là sẽ dẫn tới một khía cạnh mới mẻ và thường sẽ giúp họ tìm ra sự đột phá. Robert rút tỉa từ kinh nghiệm trước đây của mình một cách tài tình để đưa ra gợi ý hoặc ví dụ đáng nhớ. Kỹ năng của Robert là tạo cho người khác khả năng cảm thấy rằng vấn đề có thể giải quyết được và rằng họ có thể tự tin hơn vào cách xử lý của họ.

Khi có người đưa vấn đề tới chỗ bạn và muốn nói chuyện cho thông, cách tiếp cận đúng đắn đôi khi là tập trung vào câu hỏi mấu chốt. Những lúc khác, chia sẻ một ví dụ từ kinh nghiệm riêng của bạn hoặc đưa ra một cách nhìn về việc bạn nghĩ chuyện gì đang thực sự diễn ra trong tình huống cụ thể nào đó lại có thể cho họ tầm nhìn mới mẻ để xem xét vấn đề mà trước đó tưởng chừng không thể khắc phục được.

Hãy tự hỏi, “mình có thể đem lại hiểu biết gì?” là một cách để những cuộc trao đổi ngắn có tính xây dựng. Nếu có bốn người muốn gặp bạn, tốt nhất là dành ra 15 phút với từng người, cung cấp hiểu biết thấu suốt cho từng người, hơn là bỏ ra cả tiếng đồng hồ với một người để giúp giải quyết vấn đề cho họ.

Khi tôi chủ trì các hội thảo về những chủ đề từ khả năng phục hồi, cho tới dẫn dắt tốt sự thay đổi, hay trở thành một nhà lãnh đạo tháo vát, vào cuối buổi tôi luôn hỏi mọi người xem hiểu biết mấu chốt mà họ thu được là gì. Sau khi bạn đã làm việc với một cá nhân hoặc một tập thể, câu hỏi, “hiểu biết mấu chốt mà anh thu được là gì?” có thể giúp ai đó kết tinh ‘quặng vàng’ từ cuộc trò chuyện đó để đem đi.

Henry quan sát thấy Jim rất quyết tâm xây dựng mối làm ăn với một hãng kia và có hẳn một danh mục những lý do tại sao anh có thể đóng góp có giá trị cho hãng này. Khi Jim trình bày những bước tiếp theo của mình Henry hiểu rõ rằng quan trọng nhất sau đây chính là Jim phải gây dựng quan hệ cá nhân tốt đẹp với một người ra quyết định then chốt ở hãng đó.

Hiểu biết thấu suốt mà Henry cung cấp cho Jim đó là thành công sẽ đến từ việc xây dựng được quan hệ cá nhân đúng kiểu tạo ra sự tin tưởng, tôn trọng và nồng nhiệt. Anh khuyến khích Jim hãy để các chứng cứ tự nói rõ cho đề nghị làm ăn đó và đặt trọng tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân. Jim tiếp thu cái nhìn thấu suốt này và đã áp dụng thành công.

Thực hành

  • Nhớ lại những người mang đến cho bạn hiểu biết thấu suốt và nhận ra họ làm việc đó thành công như thế nào.
  • Trước một cuộc trò chuyện hãy tự hỏi, ‘mình có thể đem lại hiểu biết thấu suốt gì?’
  • ‘Ít nhưng tinh’ (less is more) theo nghĩa cho ai đó một hiểu biết thấu suốt để phát triển tiếp thì hay hơn là cả tràng ý tưởng liên tu bất tận mà họ sẽ không nhớ nổi.
  • Vào cuối buổi trò chuyện, hãy khuyến khích người ta suy ngẫm xem ‘anh thu được hiểu biết thấu suốt gì?’
  • Nếu thời gian ngắn thì đóng góp hiệu quả nhất của bạn có thể là đưa ra một câu chuyện dễ nhớ hay một cách nhìn khác đối với vấn đề.