Nguyên tắc luôn trở về với câu hỏi “bằng chứng là gì?” có thể đảm bảo các quyết định và hành động luôn dựa trên thực tế chứ không phải tưởng tượng xa vời.

Ý tưởng

Câu hỏi “bằng chứng nào là quan trọng?” có thể giúp đặt nền tảng cho một cuộc thảo luận và cân nhắc các chọn lựa tương lai. Bằng chứng ở đây có thể là dữ liệu và nguồn lực, có thể là quan điểm và tầm nhìn. Làm rõ chứng cứ là cốt tử để củng cố độ vững chắc của bất cứ việc ra quyết định nào. Kiểm chứng để sự việc thuyết phục rõ ràng là một quy trình cần phải lặp đi lặp lại thường xuyên.

Vai trò của bạn ở vị trí lãnh đạo có thể là để đảm bảo rằng độ thuyết phục của dữ liệu được kiểm chứng qua các tầm nhìn khác nhau và thu thập từ các loại chuyên môn khác nhau. Vai trò của bạn có thể là đảm bảo rằng mọi người nắm bắt được tầm nhìn rộng hơn, nhờ vậy thông tin thực tế về bản chất của sự chống đối, hay các dạng cơ hội được nhận thức đầy đủ.

Vai trò của bạn có thể là đặt ra các câu hỏi, kiểu như “đâu là bằng chứng mấu chốt?”, “bối cảnh thực sự biến đổi ra sao?”, “chứng cứ mới mẻ nào có khả năng xuất hiện trong các tuần tới đây?” Vai trò của bạn có thể là luôn kiên trì khẳng định xem thông tin nào phải có trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn có thể xây dựng mối liên hệ với các tổ chức hoặc cá nhân khác nhau, những đối tượng có thể cung cấp thông tin và am hiểu mới mẻ liên quan. Tiến triển có thể xuất phát từ chỗ chỉ cho mọi người phương hướng chính xác, nhờ vậy họ thu thập được chính xác loại dữ liệu để đi tiếp.

Trong nhóm của Katherine tồn tại những quan điểm khác nhau về trọng tâm của chương trình giảng dạy năm học sắp tới nên là gì. Katherine cảm thấy sở thích cá nhân và kinh nghiệm của mọi người đang quá lấn át. Katherine đề xuất cần thêm chứng cứ về quan điểm từ phía sinh viên đang theo học xem những gì phát huy hiệu quả, cộng với chứng cứ từ các sinh viên tương lai xem loại chương trình giảng dạy nào sẽ lôi cuốn họ.

Katherine ý thức rằng dữ liệu họ thu thập được có thể chỉ là một phần, nhưng không có thêm thông tin thực tế về kinh nghiệm và sở thích của mọi người thì nhóm của cô không thể tiến tới một kết luận thấu đáo hơn. Các chứng cứ họ tập hợp được từ kinh nghiệm của sinh viên đang theo học và sở thích của sinh viên tương lai cho phép họ đạt được đồng thuận về các quyết định tiếp theo và cung cấp nền tảng rõ ràng cho những bước đi sau đó.

Thực hành

  • Coi chứng cứ bao gồm cả dữ liệu và quan điểm của các nhóm lợi ích khác nhau.
  • Kiên quyết về tầm quan trọng của việc tập trung vào chứng cứ then chốt.
  • Khuyến khích tiếp cận chủ động để thu thập chứng cứ mới.
  • Đảm bảo trọng tâm đặt vào chứng cứ then chốt và để ý xem liệu mọi người có bị quá tải dữ liệu không.
  • Lưu tâm đến phản ứng cảm xúc trước những chứng cứ gây khó chịu.