Cách tiếp cận huấn luyện không hề loại bỏ nhu cầu phải có những quyết định khó khăn. Đôi khi, buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn và thực thi một cách quyết đoán, rành mạch, có cơ sở biện hộ và thực hiện theo cách nào đó giàu lòng trắc ẩn hết mức có thể.

Ý tưởng

Cách tiếp cận huấn luyện vốn được thiết kế để phát huy tối đa tiềm năng của con người. Mục đích là tạo điều kiện để một cá nhân suy nghĩ rõ ràng và hành động quyết đoán. Nhưng cách tiếp cận huấn luyện không nhất thiết dẫn tới giải pháp chính xác. Đôi khi cần phải đưa ra quyết định khó khăn cùng với cắt giảm tài chính, thay đổi cấu trúc, loại bỏ sản phẩm hoặc có người phải rời khỏi doanh nghiệp.

Cân nhắc thấu đáo những điều liên đới trong quyết định như vậy hẳn là đúng đắn, nhưng liên tục trì hoãn lại dẫn tới tình trạng không rõ ràng và hao hụt động lực cùng năng lượng. Nhà lãnh đạo giỏi dành thời gian suy nghĩ về thời điểm đưa ra quyết định của mình sao cho có đầy đủ thông tin, nhưng họ không chờ đợi quá lâu.

Công tố viên cần phải thu thập chứng cứ, nhưng nếu họ lần lữa quyết định truy tố quá lâu, các nhân chứng sẽ không còn sẵn sàng và bằng chứng sẽ ít đi.

Đưa ra quyết định khó khăn một cách khéo léo cốt ở chỗ kết hợp chứng cứ rõ ràng với trực giác cho biết đâu là việc đúng nên làm, đúc kết từ kinh nghiệm trước đây và những giá trị của bạn. Thường sẽ có khoảnh khắc bạn cần dũng khí để nói, “đây là điều chúng ta sẽ làm” và gắn với việc truyền đạt hiệu quả để giải thích tại sao bạn lại có hành động ấy. Khi mọi người có liên quan và bị thiệt hại, tổn thất thu nhập, không tránh được nảy sinh những cảm xúc rất có thể sẽ ngăn trở bạn đưa ra quyết định khó khăn.

Sử dụng việc huấn luyện làm phương cách giúp đỡ một người khắc phục vấn đề nào đó là một vụ đầu tư thời gian và sức lực của chính bạn. Khi bạn cảm thấy tiến bộ rất ít và cần phải đưa ra quyết định khó khăn về tương lai của ai đó, nguy cơ là bạn có thể cảm thấy hối tiếc. Nhưng đầu tư vào sự phát triển của một con người sẽ không bao giờ là vô ích, mặc dù có thể không sản sinh ra kết quả đủ để đảm bảo thành công ở vị trí cụ thể nào đó.

Khi một quyết định khó khăn được đưa ra và xuất hiện phản ứng tiêu cực, rất nên làm rõ với bản thân bạn về những lý do và mức độ đầu tư bạn đổ vào đối tượng đó trước khi đi đến chuyện này. Khi đó, bạn có thể ‘ngẩng cao đầu’ biết rằng bạn đã đầu tư đến nơi đến chốn cho đối tượng, và rằng bạn sẵn sàng đưa ra một quyết định khó khăn khi cần thiết.

Khi George vẫn tiếp tục tiến bộ rất ít, Jeremy biết anh phải đưa ra một quyết định cứng rắn. Jeremy nói chuyện với George về những bằng chứng dứt khoát cho thấy đây là vị trí không phù hợp với George. Họ cùng bàn bạc về hai lựa chọn, làm việc ở bộ phận khác trong doanh nghiệp hay rời đi. Jeremy nói rằng anh sẵn sàng cho George hai tháng trước khi áp dụng chế độ đánh giá hiệu quả làm việc. Nói như vậy giúp George có dịp đối diện với thực tế.

George xin thôi việc trước khi thời hạn hai tháng kết thúc. George không thích kết luận cuối cùng là anh phải rời đi, nhưng nghĩ rằng Jeremy đã đối xử với anh rất công bằng. Anh tôn trọng quyết định của Jeremy và không hề oán giận gì.

Thực hành

  • Bạn có trách nhiệm phải đưa ra quyết định trên cơ sở đã cân nhắc các chứng cứ.
  • Không đưa ra quyết định nào cả tức là quyết định để mặc mọi thứ đến đâu thì đến.
  • Làm rõ là bạn cần phải đưa ra quyết định trong một giai đoạn nào đó có thể giúp bạn chuẩn bị về mặt cảm xúc để đưa ra quyết định khó khăn ấy.
  • Nói rõ các chứng cứ cho thấy lý do phải đưa ra quyết định.
  • Luôn suy nghĩ thấu đáo xem liệu trò chuyện huấn luyện có thể giúp bạn cân nhắc quyết định khó khăn là để ai đó ra đi không.