Nếu đối tượng huấn luyện sống đúng với những giá trị của bản thân họ sẽ mãn nguyện hơn, gắn bó hơn và hiệu quả hơn.

Ý tưởng

Phương pháp tiếp cận nền tảng mà tôi sử dụng được miêu tả trong cuốn sách của tôi, tựa là The Four Vs of Leadership: Vision, Values, Value-added and Vitality (tạm dịch: Bốn chữ V của thuật lãnh đạo: Tầm nhìn, Giá trị, Giá trị gia tăng và Sức sống). Bốn chữ V này bao gồm: tầm nhìn của bạn về con người lãnh đạo bạn muốn trở thành là gì, đâu là giá trị gia tăng mà bạn đang mang lại và sẽ muốn mang lại trong tương lai ở vai trò lãnh đạo, và đâu là nguồn sức mạnh của bạn và bạn nuôi dưỡng nó ra sao? Nhưng trọng tâm của lối tiếp cận này là tầm quan trọng của việc mỗi cá nhân hiểu rõ giá trị của mình và hiểu rõ việc sống trọn vẹn với những giá trị ấy có ý nghĩa ra sao với họ.

Nếu bạn biết những giá trị nào là quan trọng nhất với ai đó, bạn đã có cái nhìn thấu vào cách họ tư duy và hành động. Những giá trị xuất phát từ bối cảnh văn hóa và gia đình của chúng ta định hình cách ta suy nghĩ và ứng xử. Những giá trị ta giữ gìn trong cuộc đời trở thành phần cốt lõi trong cách ta đưa ra quyết định. Xây dựng sự hiểu biết về đối tượng nào đó sao cho bạn đánh giá đúng các giá trị và điểm xuất phát của họ có thể cung cấp khung chương trình, tạo điều kiện để bạn đặt ra những câu hỏi hay và giúp họ chỉnh hướng tư duy.

Câu hỏi “những giá trị nào mách bảo anh đâu là điều đúng đắn phải làm trong tình huống này?” có thể giúp vạch rõ những điều cần cân nhắc. Thường thì một người sẽ cân bằng hai giá trị có vẻ xung khắc với nhau. Nếu ai đó làm việc không tốt, nhà quản lý thường muốn tỏ ra thông cảm với anh ta, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến các nhân viên khác, những người chịu ảnh hưởng bất lợi bởi thành tích kém cỏi của nhân viên này. Tạo điều kiện cho đối tượng nói rõ xem giá trị của sự công bằng áp dụng ra sao với từng cá nhân và toàn bộ tập thể có thể giúp họ phát triển phương án đương đầu với tình thế lưỡng nan này.

Rashida cho rằng một nhân viên của cô lựa chọn cách ứng xử gần như là bắt nạt, nhưng lại ngại đối đầu với người này vì cô ta rất hiệu quả ở nhiều phương diện. Vic khích lệ Rashida suy nghĩ thấu đáo xem đâu là việc đúng đắn phải làm để giải quyết lối cư xử này hơn là chỉ làm điều gì có lợi. Rashida biết lối cư xử này cần phải được khắc phục cho dù nó có dẫn tới tình trạng giảm sút hiệu quả làm việc trong ngắn hạn của đối tượng.

Thực hành

  • Khích lệ đối tượng huấn luyện nói về những giá trị quan trọng nhất với họ và chúng xuất phát từ đâu.
  • Khám phá mối liên hệ giữa tầm nhìn của đối tượng về tương lai của chính họ với những giá trị ngầm ẩn phía sau tầm nhìn ấy.
  • Tạo điều kiện cho đối tượng khám phá những tình huống trong đó những giá trị của họ có thể xung đột với nhau.
  • Tạo điều kiện để các cá nhân hoặc tập thể trao đổi cởi mở với nhau về những giá trị của họ và lúc nào những giá trị ấy có nguy cơ bị gạt sang một bên.
  • Chia sẻ kinh nghiệm của riêng bạn về những lúc các giá trị của bạn bị thử thách và bạn đã khắc phục như thế nào.