Hầu hết mọi người đều ngại ngần dự phần vào sự thay đổi, trừ phi họ nhận ra nhu cầu phải thay đổi.

Ý tưởng

Tất cả chúng ta đều có thói quen. Đa số các tổ chức đều có những khuôn mẫu hoạt động. Đa số mọi người đều thích “tiếp tục như cũ” hơn là thay đổi. Có lẽ chỉ 5% dân số là ‘nghiện thay đổi’, còn đa số chúng ta vốn dĩ chẳng vội vàng thay đổi làm chi.

Cứ khi nào ta gợi ý với người khác rằng thay đổi là cần thiết, phản ứng đầu tiên của họ rất có thể là tự vệ bằng việc nhắc đi nhắc lại những lợi ích của hiện trạng. Đôi khi, một người nói ra miệng những lợi ích của tình trạng hiện thời, nhưng chính trong lúc ấy, cũng nhận thức ngay rằng mọi chuyện chẳng phải đang hoàn toàn ổn thỏa và cần phải làm gì đó.

Xây dựng sự thừa nhận nhu cầu thay đổi có thể là kết quả từ một cuộc khủng hoảng khiến mọi người phải kinh ngạc hoặc thấp thỏm bất an. Cú sốc cảm xúc nảy sinh từ cơn khủng khoảng có thể bứt mọi người bật ra khỏi lối tư duy hiện thời và giúp họ cởi mở hơn với những cách nhìn mới về một vấn đề vốn dĩ quen thuộc.

Xây dựng sự thừa nhận nhu cầu thay đổi có thể rất tốn thời gian. Sẽ cần đến những kích thích và gợi ý suốt một giai đoạn kéo dài. Mời gọi mọi người trò chuyện với những người đã trải qua quá trình đổi thay tương tự có thể xây dựng thái độ chấp nhận những gì là khả thi và cả ý thức rằng lợi ích sẽ nảy sinh từ sự thay đổi.

Đề nghị mọi người suy nghĩ xem, “điều gì sẽ xảy ra nếu ta thay đổi ‘X’?” có thể sẽ hiệu quả trong việc gợi ý họ chuyển sang một lối suy nghĩ khác về một vấn đề nào đó, giúp họ cảm thấy bớt bị ràng buộc hay ngăn trở trong việc đi sâu khám phá một số hệ quả, và rất có thể sẽ xác định được một số ích lợi.

John ý thức được là nhóm của anh ở châu Âu sẽ cần phải hoạt động hiệu quả hơn, nếu không một phần công việc sẽ bị chuyển giao sang Ấn Độ. Hiện thực khó khăn này rất rõ ràng với anh nhưng với mọi người trong nhóm lại không rõ ràng cho lắm. Lối suy nghĩ của cả nhóm là nếu họ làm việc chăm chỉ họ sẽ được ghi nhận đầy đủ và sẽ được phép tiếp tục công việc hiện tại. Hiện thực chỉ bắt đầu tràn vào nơi đây khi một số công việc từ các nhóm khác bị chuyển giao sang Ấn Độ. Phản ứng là thái độ phẫn nộ chính đáng và kiểu ‘chuyện này không đời nào rơi vào đầu mình’. John bắt đầu từ tốn, nhưng cương quyết đề nghị rằng cả nhóm cần phải suy nghĩ về ngụ ý trong chính sách chuyển thêm công việc sang Ấn Độ của công ty và không thể tảng lờ những hậu quả tiềm tàng.

John yêu cầu các thành viên trong nhóm suy ngẫm xem những lợi ích tiềm năng là gì. Cả nhóm nhìn thấy hậu quả ở các lĩnh vực công việc đã bị chuyển sang Ấn Độ là công việc ở châu Âu giảm đi, nhưng những công việc còn được giữ lại thì đặc biệt thú vị. Những người góp phần vào sự thay đổi ở các lĩnh vực khác nói về quan hệ cộng tác làm việc tuyệt vời với các đồng sự ở Ấn Độ và tiến bộ nảy sinh thế nào từ chỗ vận dụng tốt sở trường của nhau. Cuối cùng, cả nhóm đã sẵn lòng ngầm ưng thuận chuyển một số phần việc sang Ấn Độ dù vẫn không hoàn toàn nhiệt tình với việc này.

Thực hành

  • Hãy rõ ràng khi chỉ ra nhu cầu phải thay đổi.
  • Dành thời gian để sự chấp nhận lớn dần.
  • Khuyến khích mọi người nói chuyện với những người từng trải qua thay đổi tương tự.
  • Chớ nản lòng thoái chí trước phản ứng cảm xúc ban đầu của mọi người, và hãy ý thức được nỗi buồn mà họ cảm thấy trước.
  • Để ý những tín hiệu bạn đưa ra trong cách bạn ứng xử với thay đổi và tận dụng tối đa những cơ hội nảy sinh từ sự thay đổi.