Thể hiện bạn luôn ghi nhớ các chi tiết sẽ tạo ra uy tín với những người bạn tìm cách gây ảnh hưởng. Thực tế việc ghi nhớ thể hiện sự quan tâm nghiêm túc của bạn cũng như sức ảnh hưởng của ai đó đối với bạn.

Ý tưởng

Tâm trí của chúng ta chứa đủ thứ – đôi khi ta nhớ những cái tên, những nơi chốn, và rồi có lúc ta lại quên béng mất.

Nhớ lại những sự kiện trong quá khứ hay hồi tưởng những ký ức đã trải qua giúp tạo nên cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang lại cảm giác cùng hội cùng thuyền và mong muốn được làm việc cùng nhau trên tinh thần xây dựng.

Là một người huấn luyện điều hành, tôi thường đưa cho các học trò của mình bản ghi nhớ sau mỗi cuộc họp để nhắc nhở hành động họ đã nói họ sẽ thực hiện. Như thế trong cuộc họp tiếp theo tôi có thể nhớ những vấn đề đã được đề cập trong buổi thảo luận trước. Như thế giúp tôi vạch ra định hướng cho các câu hỏi huấn luyện của mình.

Chứng tỏ bạn ghi nhớ không có nghĩa là phải học thuộc lòng tất cả các chi tiết nhỏ nhặt, mà là ghi nhớ những dữ liệu, sự kiện quan trọng để đưa vào các cuộc thảo luận sau này. Trước khi gặp một người mà đã lâu rồi bạn không liên lạc, việc dành đôi chút thời gian hồi tưởng những kỷ niệm đã có về họ là rất đáng làm.

Đôi khi uy tín của bạn phụ thuộc vào việc thể hiện bạn ghi nhớ những bài học thu được từ quá khứ. Kết quả đạt được sau khi suy ngẫm thấu đáo kinh nghiệm quá khứ tạo dựng uy tín về kiến thức cũng như chiều sâu kinh nghiệm của bạn.

Thực hành

  • Coi những ký ức của bạn là các câu chuyện có giá trị chứ không phải là một mớ hỗn độn không cần thiết.
  • Rút ra từ ký ức điều gì vận hành tốt điều gì chưa sẽ cung cấp bài học để bạn vận dụng vào việc gây ảnh hưởng với người khác.
  • Khi nhớ về ai đó, đừng ngại ngùng nhắc lại những kỷ niệm đã có cùng họ, hãy làm điều đó một cách tích cực và nồng nhiệt.
  • Đừng bao giờ sử dụng trải nghiệm chung đã có theo cách thủ đoạn – hãy để bản thân điều đó tác động tới sự cởi mở và ấm áp của cuộc trao đổi.