Trước khi tung ra một sản phẩm, hãy lên kế hoạch xác định sản phẩm đó sẽ bị lỗi thời khi nào và như thế nào. Điều này cho phép bạn kiểm soát sự thay đổi trên thị trường, chuẩn bị cho thay đổi đó, và sử dụng nó như một lợi thế.

Ý tưởng

Lý thuyết về “trù tính sự lỗi thời” có thể được mô tả như sau: “thấm vào người mua cái mong muốn sở hữu một thứ gì đó mới hơn một chút, tốt hơn một chút, và sớm hơn một chút so với mức thực sự cần thiết”. Định nghĩa này nêu bật bản chất sâu xa của một sự lỗi thời đã được trù tính.

Lỗi thời là thời điểm mà một sản phẩm trở nên vô dụng – từ việc không hợp thời trang, lỗi mốt, không tương thích với các hệ điều hành khác hay đơn giản là hết hạn sử dụng. Có hai loại lỗi thời: lỗi thời về phong cách và lỗi thời về chức năng. Hai loại này không loại trừ nhau mà thường có quan hệ với nhau và cái này dẫn đến cái kia. Bằng việc lên kế hoạch cho thời điểm mà sản phẩm của bạn trở nên lỗi thời, bạn có thể bắt đầu phát triển sản phẩm thay thế và chiến dịch tiếp thị đi cùng. Cũng có thể kích hoạt sự lỗi thời để kích thích doanh số và đảm bảo việc bạn vẫn dẫn trước các đối thủ.

Phần lớn các sản phẩm đều được trù tính trước để trở thành lỗi thời – ở một số thị trường, như thời trang và công nghệ, sự lỗi thời có tốc độ nhanh hơn và được đan cài vào cơ cấu của ngành. Công ty công nghệ Apple là một ví dụ ấn tượng cho điều này. Apple thường xuyên phát triển những kiểu máy nghe nhạc MP3 nâng cấp cả về phong cách và chức năng kỹ thuật, làm cho những sản phẩm cũ của chính hãng này lỗi thời cả về kiểu dáng và kỹ thuật. Có thể sử dụng chiến thuật này để khiến cho sản phẩm của đối thủ bị lỗi thời. Ví dụ, bằng việc tung ra một con chip máy tính mới, bạn có thể kích hoạt sự lỗi thời trong các hệ điều hành của đối thủ. Sự lỗi thời là không thể tránh được – hãy sử dụng nó làm lợi thế của bạn.

Thực hành

  • Tránh kích hoạt quá thường xuyên sự lỗi thời trong các sản phẩm, vì việc kích hoạt này đôi khi là một sự đầu tư không cần thiết và có thể gây ra phản ứng dữ dội từ khách hàng.
  • Đặt việc thiết kế kỹ thuật sản phẩm vào “chiến lược lỗi thời” của bạn – một sản phẩm không cần thiết phải bền đến mười năm nếu nó sẽ bị lỗi thời chỉ sau hai năm.
  • Đưa ra mức bảo hành dài hạn cho những sản phẩm sớm bị lỗi thời – điều này sẽ làm khách hàng thêm tin tưởng mà quyền bảo hành này thì không mấy có khả năng được dùng đến.
  • Đừng làm cho việc trù tính sự lỗi thời trở nên lộ liễu với khách hàng – điều này sẽ dẫn đến sự thất vọng và không sẵn lòng mua sản phẩm mới.